Social Profiles

Tuesday 22 May 2012

7 lời khuyên của Donald Trump cho người mới lập nghiệp

Donald Trump, tỷ phú người Mỹ xếp thứ 17 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes năm 2011 đã dành 7 lời khuyên cho những người mới bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh.
Donald Trump
1. Giá trị thương hiệu

Thương hiệu công ty của bạn đại diện cho một chuẩn mực về chất lượng của sản phẩm và dịch vụ mà bạn đang cung cấp. Chẳng hạn như, Chanel đã rất thành công trong việc tạo dựng giá trị thương hiệu cho dòng sản phẩm của mình. Khi nhắc đến Chanel, mọi người luôn nghĩ đến những bộ quần áo thời trang cao cấp và mùi nước hoa sang trọng.
Khi nhắc đến Trump, mọi người luôn liên tưởng đến những tòa nhà cao tầng với kiến trúc lạ mắt, sân golf, sách, chương trình truyền hình, dòng thời trang và nước hoa cao cấp dành cho phái mạnh hoặc chuỗi khách sạn hạng sang, v.v. Tuy nhiên điều quan trọng khi nhắc đến Trump, chính là chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Luôn cung cấp những gì tốt nhất là chuẩn mực của thương hiệu Trump.
Thương hiệu Trump khởi đầu bằng cái tên mà tôi đặt cho tòa nhà cao tầng đầu tiên của công ty tôi – Trump Tower. Cho đến nay, sau 29 năm, kể từ ngày mở cửa đầu tiên vào năm 1983, Trump Tower đã luôn là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn và vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc của nó như thuở ban đầu.
2. Lỗi thường gặp khi giới thiệu sản phẩm/dịch vụ đến khách hàng

Các bạn thường giới thiệu về sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty mình một cách thái quá so với chất lượng thực tế của chúng. Quá đề cao chất lượng sản phẩm hay dịch vụ của mình không phải là một cách hay. Sự nhiệt tình chào mời thì tốt tuy nhiên đừng trở nên thái quá.
3. Luôn đam mê và học hỏi

Tôi cho rằng sự đam mê là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công. Người mới bắt đầu khởi nghiệp cần phải thật sự đam mê điều mình đang làm, và phải cố gắng tìm tòi, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của những người đi trước. Chỉ có động lực, sự đam mê, và kiến thức mới có thể giúp bạn vượt qua những trở ngại và thách thức trong quá trình khởi nghiệp. Bạn cũng nên thường xuyên tìm đọc những quyển sách viết về những người thành đạt trong cuộc sống để có thêm động lực cũng như những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh thành công của họ.
4. Luôn nỗ lực

Tôi luôn nỗ lực học hỏi những cái mới hàng ngày và tự cho mình cơ hội để trải nghiệm năng lực bản thân trong những thử thách mới. Khi bước chân vào một lĩnh vực mới, hãy cố gắng tập trung và nỗ lực học tập để có thể đạt được thành công.
5. Kiến thức

Cùng với khao khát được học hỏi, được vượt trội hơn người khác, tự tin là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Không một ai bắt đầu khởi nghiệp mà không có chút kiến thức gì về nó. Hãy luôn sẵn sàng đón nhận và học tập những điều mới. Ngoài ra, học hỏi những điều mới hằng ngày còn giúp bạn giữ cho trí óc mình luôn tươi trẻ. Tuy nhiên, để làm được việc này, bạn phải có đam mê. Một lần nữa, đam mê là chìa khóa cho mọi thành công trong quá trình khởi nghiệp của bạn. Nếu không có đam mê, thì bạn không thể vượt qua được những chông gai thử thách gặp phải trên con đường khởi nghiệp của mình.
6. Cho phép con cái tham gia vào công việc kinh doanh của bạn

Khuyến khích con cái tham gia vào công việc kinh doanh đã giúp các con tôi nhìn thấy được cha của chúng đã phải hàng ngày làm việc cực nhọc thế nào. Tôi thấy mình may mắn khi các con tôi yêu thích công việc mà chúng đang làm. Tôi là hình mẫu cho chúng trong kinh doanh. Chúng đã lắng nghe, quan sát, học hỏi và áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm mà chúng thu thập được vào công việc thực tế. Tôi rất tự hào về các con tôi.
7. Hai mặt của sự thành đạt

Khi thành đạt và có danh tiếng, bạn dễ dàng giữ chỗ cho mình trong một nhà hàng sang trọng nào đó. Tuy nhiên, sự thành đạt và danh tiếng đôi khi cũng mang lại những phiền toái chẳng hạn như bị quấy rối hoặc phá hoại. Tuy nhiên, những phiền toài này không đáng kể. Phần lớn mọi việc đều rất tuyệt và tôi luôn trân trọng sự thành đạt của mình.
Read more »

Thế hệ Facebooker của ngành công nghiệp oto thế giới


Sự phát triển của mạng xã hội với những công cụ như Facebook, Twitter, MySpace, YouTube… trong thời gian gần đây đã góp phần thúc đẩy, tạo nên nhiều thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh và tiếp thị của ngành công nghiệp xe hơi trên toàn thế giới, tới mức báo chí phương Tây xem Facebook như là “một thế hệ mới trong ngành công nghiệp ôtô”.
BMW 1 series – Mẫu xe được quảng bá mạnh trên mạng xã hội của BMW
Fiesta và hành trình trên Twitter
Cơ hội tiếp cận khách hàng mới
“Trên Twitter, không ai biết bạn là… một chiếc xe hơi”. New York Times – tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ đã phát hiện ra điều này khi nickname AJ thu hút khá đông cộng đồng mạng vào xem gallery hình ảnh cập nhật thường xuyên của “cư dân” này trên mạng xã hội đó. Giống như một cô gái trẻ năng động, yêu cún con nào đó thường xuyên ghi nhật ký trên đường, kỳ thực cô gái này lại là… Fiesta – một mẫu xe đô thị toàn cầu của hãng xe Ford hiện đang bán rất chạy ở thị trường châu Âu và Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam. Chuyến đi của AJ (hay Fiesta) trên khắp nước Mỹ được upload lên Twitter đã lôi cuốn rất nhiều người yêu thích đi đây đi đó tham gia, đặc biệt là những người trẻ – đối tượng khách hàng chính của dòng xe nhỏ có thiết kế trẻ trung, năng động và đặc biệt chú trọng đến yếu tố công nghệ mới. Fiesta AJ được xem là một dự án mang tính đột phá của Tập đoàn Ford Motor về chiến lược tiếp thị và truyền thông.
Quan niệm rằng Facebook chỉ dành cho thanh thiếu niên đã trở nên lạc hậu. Theo thống kê của Công ty O’Reilly Media, trong giai đoạn từ tháng 9-2008 đến tháng 2-2009, số thành viên Facebook từ độ tuổi 35 đến 44 tăng lên 51%, số thành viên từ độ tuổi 45 đến 47 tăng lên 47%, còn các thành viên từ 26 đến 34 tuổi tăng lên 26%. Cũng nên biết rằng không chỉ có Ford với dòng xe Fiesta nhắm tới đối tượng trẻ và năng động mới quan tâm tới mạng xã hội. Trên thực tế, người đi đầu trong “thế hệ Facebook” của ngành công nghiệp ôtô thế giới lại là một hãng xe Đức nổi tiếng sang trọng, đẳng cấp, hiện đang dẫn đầu về doanh số bán hàng trong phân khúc xe sang trọng: BMW!
Từ năm 2008, BMW đã bắt đầu sử dụng mạng xã hội như là một trong những kênh tiếp thị sản phẩm nằm trong chiến dịch quảng bá dòng xe mới BMW 1 series. Với các phiên bản coupé và mui trần, mẫu xe này có giá khởi điểm từ 28.600 USD (giá trên thị trường châu Âu), nhắm tới đối tượng khách hàng trẻ, mê công nghệ của BMW nhưng chưa có khả năng tài chính để vươn tới những dòng xe cao cấp của BMW như 5 hoặc 7 series. Để quảng bá cho dòng sản phẩm hoàn toàn mới, nhắm tới phân khúc thị trường hoàn toàn mới này, BMW đã chi tới 25 triệu USD cho chiến dịch truyền thông và 15% kinh phí đó được dành cho truyền thông trên mạng internet. BMW 1 series gần như là chiếc xe hơi đầu tiên “gửi thư kết bạn” trên Facebook, upload những đoạn video clip lên YouTube. Giám đốc truyền thông tiếp thị của BMW tại thị trường Bắc Mỹ là Patrick McKenna đánh giá đây là chiến dịch truyền thông cho một sản phẩm mới được tập trung cao độ nhất vào mạng xã hội của BMW vì “nó mang tới cơ hội lớn để tiếp cận những khách hàng mới”.
Không chỉ có ý nghĩa truyền thông, việc tiếp cận khách hàng trên mạng xã hội còn là kênh tiếp nhận các phản hồi nhanh chóng và hiệu quả từ khách hàng về sản phẩm. Thậm chí, cộng đồng mạng còn tham gia thiết kế lại chiếc xe trong cuộc thi do chính BMW tổ chức trên Facebook. “Điều đó giúp cho việc kiểm soát tốt thương hiệu của các nhà sản xuất” – Brendan Starr, một chuyên gia nghiên cứu về truyền thông đánh giá.
Sau thử nghiệm với dòng 1 series, từ 1-7-2010, BMW đã chính thức sử dụng Facebook và Twitter để tiếp thị tất cả các sản phẩm của họ, gồm cả thương hiệu MINI và dòng xe máy BMW. Cùng với BMW, hai thương hiệu xe cao cấp khác của Đức cũng tham gia vào thế giới mạng xã hội là Audi và Mercedes, trong đó người tăng tốc nhanh nhất trong thế giới online chính là Daimler (tập đoàn mẹ của Mercedes). Từ một blog được tạo ra vào tháng 10-2007 để link đến một tài khoản trên Facebook, trang web của Daimler thu hút hơn 100 ngàn người vào xem mỗi tháng. Theo một nghiên cứu thị trường tại Đức, những người sử dụng Facebook hiện nay chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 14 đến 32, khá trẻ để có thể mua xe Mercedes. Theo quản trị viên mạng của hãng này thì những facebooker trẻ tuổi đó sẽ là khách hàng, thậm chí là nhân viên của Daimler trong tương lai.
Các thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dè dặt
Hỏi kinh nghiệm bạn bè, người quen, tìm kiếm thông tin trên mạng internet, tham khảo trên các diễn đàn, mạng xã hội hiện được xem là kênh tham khảo chính trước khi mua xe hơi của người tiêu dùng Việt Nam. Đây cũng chính là lý do dẫn đến sự bùng nổ các diễn đàn xe hơi và đông đúc người tham gia góc tư vấn của chuyên mục Xe hơi trên báo điện tử vnexpress.net. Chiếc Scirocco bị “cháy hàng” trước khi chính thức nhập về Việt Nam một phần cũng nhờ Facebook, khi một nhân viên bán hàng của VW đưa những thông tin và hình ảnh của chiếc xe này lên mạng, tạo thành một làn sóng tìm kiếm thông tin trước khi mẫu xe này được tung ra thị trường chính thức.
Fiesta trên mạng xã hội ở VN
Cho tới nay, xuất hiện một cách chính thức và bài bản nhất trên mạng xã hội ở Việt Nam có lẽ vẫn là Fiesta. Hiện chiếc xe này cũng là một facebooker trong cộng đồng mạng Việt Nam (www.facebook.com/FordFiestaVietnam  www.facebook.com/FordVietam). Ngay khi vừa ra mắt, trang web này đã gây nóng trong cộng đồng mạng với cuộc săn lùng Fiesta với giải thưởng là một chiếc xe Fiesta mới, trị giá gần 600 triệu đồng! Để với tới giải thưởng có lẽ là lớn nhất từ trước tới nay trong cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam, các cư dân mạng chỉ việc upload những hình ảnh đẹp nhất của chiếc xe (tự chụp hoặc tải về từ mạng) kèm theo bình luận về nó. Nhà sản xuất này cũng tận dụng tối đa sức mạnh của những câu lạc bộ xe hơi có uy tín như OtoSaigon, OtoFun, Ladycarcar để tổ chức các chương trình như “Thi lái xe tiết kiệm nhiên liệu”, “Một tuần làm bạn với Fiesta”… Đánh giá về hiệu quả của kênh truyền thông mới, ông Laurent Charpentier – Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho hay: “So với các hoạt động truyền thông truyền thống thì hình thức truyền thông sử dụng mạng xã hội và các hoạt động có tính liên kết đã và đang mang lại những hiệu quả đáng kinh ngạc. Trong vòng ba tháng diễn ra cuộc thi Fiesta Hunt, đã có hơn 13 ngàn người liên kết với trang Facebook, 80.615 lượt xem với hơn 38 ngàn lượt bình chọn”. Ông còn nhấn mạnh: “Các hoạt động truyền thông trực tuyến không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu Ford, không chỉ quảng bá các sản phẩm và dịch vụ của Ford, mà còn là một kênh truyền thông đa chiều, là cơ hội để Ford lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ để có những cải tiến nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng một cách nhanh nhất”.
Kênh phản hồi từ khách hàng ở Việt Nam trên mạng xã hội hiện nay vẫn bị nhìn nhận là chưa mạnh mẽ. Hầu như chưa có ghi nhận nào trên các trang web xã hội bằng tiếng Việt về việc các hãng xe ở Việt Nam đưa ra các chương trình khuyến cáo, sửa chữa, thu hồi sản phẩm từ những phản hồi của khách hàng và đó chính là điểm khác biệt so với nhiều nước khác trên thế giới. Đôi khi, những phản hồi không được cả hai bên khách hàng và nhà sản xuất giải quyết thấu đáo, mà biến thành những vụ kiện tụng ầm ĩ. Trong khi đó, tính chất đa chiều của mạng xã hội được xem là một trong những yếu tố sẽ làm thay đổi tình hình này.
Lãnh đạo Công ty Ford Việt Nam có vẻ vững tin rằng trong tương lai, các hoạt động truyền thông trực tuyến sẽ luôn giữ vai trò quan trọng trong kế hoạch marketing và truyền thông của họ. Ngoài Ford, xem ra các thương hiệu khác vẫn còn khá dè dặt với kênh truyền thông mới. Theo nghiên cứu của Công ty Vinalink (chuyên về dịch vụ khảo sát, marketing trực tuyến), hiện mới có 0,4% doanh nghiệp Việt Nam dùng Facebook để quảng cáo, ít hơn nữa (chỉ 0,07%) dùng YouTube và khoảng 0,2% hòa vào các mạng xã hội khác. Trong khi đó, tại Mỹ có 70,3% doanh nghiệp dùng Facebook để quảng cáo, 58% dùng Linkedin, 40% dùng Twitter và 26,8% dùng YouTube (theo vnexpress.net).
Read more »

Những sai lầm khi thực hiện Internet Marketing


Những “sai lầm” chắc chắn không phải là tất cả, tuy nhiên đó là những sai lầm mà bạn dễ mắc phải nhất và nó có thể nhanh chóng làm giảm uy tín cũng như danh tiếng của bạn, bạn nên học cách sử dụng những công cụ tìm kiếm để dễ dàng tìm kiếm những thông tin mà bạn cần và để giao tiếp hiệu quả hơn.
27 Những “sai lầm” thường gặp khi thực hiện marketing trên Internet

Trước sự “bùng nổ” của hệ thống mạng Internet trên khắp toàn cầu, lật lại những bản tin hay các tạp chí thương mại về những thành công cũng như thất bại khi tham gia vào Internet, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn với các bạn rằng không hề có bất kỳ một công thức đơn giản hay những bí quyết thần bí nào dành cho thành công trong môi trường Internet. Điều quan trọng là bạn phải không ngừng học hỏi, cập nhật tin tức, thông tin hàng ngày và biết tham khảo, rút kinh nghiệm từ những người đi trước. Đó chính là chìa khoá cho sự thành công mà bạn có thể đem lại cho chính mình.
Chính vì vậy, trong bản tin này, chúng tôi muốn cùng chia sẻ với bạn những điều mà chúng tôi cập nhật, học hỏi được đó là 10 “sai lầm” thường gặp khi thực hiện marketing trên Internet. Đó chính là những nguyên nhân làm giảm uy tín cũng như doanh thu của bạn khi kinh doanh trực tuyến.

1. Sử dụng dịch vụ Web Hosting miễn phí hay với giá rẻ.

Khi kinh doanh trên Internet, website là tài sản quan trọng nhất của bạn và nó có thể tạo ra ấn tượng tốt đẹp ngay từ đầu đối với khách hàng. Chính vì vậy, bạn không nên sử dụng dịch vụ Web Hosting miễn phí hay với giá rẻ của các nhà cung cấp như: Angelfire, Tripod, GeoCities, Hypermart, FreeYellow….Nếu bạn nghĩ là không có vấn đề gì thì bạn đã hoàn toàn sai lầm. Phần lớn các dịch vụ miễn phí hay với giá rẻ đều có chất lượng không tốt: khách hàng sẽ gặp khó khăn khi truy cập vào trang web của bạn vì nó được đặt trên một máy chủ quá tải, hay trang web của bạn sẽ là nơi đặt banner quảng cáo cho sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp…
Hãy lựa chọn ngay một nhà cung cấp khác cho sự thành công của bạn. Ngày nay, chỉ với một khoản chi phí là 10 USD/tháng, bạn đã có được một dịch vụ Web Host hoàn hảo và còn có thể sử dụng được tên miền riêng của mình.

2. Làm giảm giá trị trang web do đồ hoạ, java, âm nhạc…

Đây chính là sai lầm thứ hai thường gặp khi thực hiện marketing trên Internet. Chúng ta không thể phủ nhận giá trị thẩm mỹ mà các chương trình đồ hoạ, java, âm nhạc mang đến cho trang web của bạn. Nhưng nó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro cho bạn, là nhân tố chính làm chậm thời gian truy cập vào trang web của bạn.
Hơn nữa, với tư cách là một một thương nhân kinh doanh trực tuyến, chức năng quan trọng nhất của trang web là bán sản phẩm và dịch vụ của bạn. Đồ hoạ, Java hay âm nhạc không phải là nguồn thu nhập chính của bạn trừ khi bạn với tư cách là một nhà thiết kế đồ hoạ hay kinh doanh đĩa CD. Chính vì vậy, hãy cố gắng vừa đảm bảo tính thẩm mỹ của trang web vừa đảm bảo trang web không quá tải để tránh sai lầm.

3. Không quan tâm đến ý kiến phản hồi từ phía khách truy cập.

Phần lớn các thương nhân khi kinh doanh trên Internet đều quên “quan tâm” đến phản ứng của khách hàng sau khi upload trang web lên mạng. Rất đơn giản bởi vì họ chưa hiểu hết được giá trị của những thông tin đó. Phần lớn họ luôn cho rằng mọi thứ vẫn đang hoạt động tốt nhưng ngược lại trên thực tế, một số lượng khách truy cập khá lớn của họ đã gặp sự cố và tỏ ra không hài lòng. Và sau khi tiếp nhận được những thông tin đó họ đã phải quyết định thiết kế lại toàn bộ website và kết quả là doanh thu đã tăng nhanh chóng.
Ngoài ra, bạn hãy nhớ rằng, những khách hàng có thông tin phản hồi cho bạn chứng tỏ họ đã quan tâm đến bạn và rất có thể họ sẽ là khách hàng tiềm năng của bạn trong tương lai.

4. Lãng phí thời gian vào những hoạt động vô ích.

Với vai trò là một nhân viên marketing trên mạng Internet, tài sản quý giá nhất của bạn chính là “thời gian”. Thời gian đôi khi còn có giá trị hơn tiền bạc nếu như bạn biết sử dụng nó để đưa ra những quyết định sáng suốt. Chính vì vậy, bạn hãy học cách sắp xếp công việc phù hợp. Bạn phải biết công việc nào là cần thiết và hiệu quả nhất đối với bạn để tránh lãng phí thời gian làm việc không hiệu quả.

5. Hệ thống email quản lý không hiệu quả.

Email là một trong những phương thức giao dịch khá phổ biến và hiệu quả giữa các thương nhân với khách hàng của họ. Tuy nhiên, do hệ thống email chưa được quản lý một cách tốt nhất, trong một vài trường hợp bạn có thể sẽ nhận được các thư giao dịch với nhiều lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, khó đọc… Chính vì thế bạn hãy học cách sử dụng hệ thống email để phục vụ tốt nhất cho công việc kinh doanh của mình.
Hãy tham khảo bằng cách download một demo miễn phí tại địa chỉ: http://www.eudora.com, bạn sẽ dễ dàng hơn khi thiết lập một hệ thống email hiệu quả cho hoạt động kinh doanh trực tuyến.

6. Không thường xuyên bám sát khách hàng.

Theo thói quen, phần lớn khách hàng có xu hướng mua hàng của những thương nhân mà người ta đã biết và tin tưởng. Chính vì thế, nếu bạn không có một bí quyết gì để xây dựng niềm tin và giữ liên lạc với khách hàng, thì đây là một sai lầm rất nghiêm trọng.
Hãy lập một danh sách đăng ký nhận bản tin và bắt đầu xuất bản các bản tin, nó sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt và giữ liên lạc thường xuyên với các khách hàng của bạn. Với những bản tin đó, bạn có thể cung cấp cho họ những thông tin cập nhật nhất về sản phẩm cũng như về website của bạn. Hơn thế nữa, điều quan trọng là bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc họ sẽ quên bạn bởi vì tên của bạn luôn luôn xuất hiện trong hộp thư của họ. Một phần mềm chuyên dụng để gửi bản tin sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

7. Đánh mất sự nổi tiếng bởi việc thực hiện chiến lược quảng cáo không thích hợp.

Nói đến những sai lầm khi thực hiện marketing trên Internet, quả là thiếu sót nếu không nhắc đến hiện tượng “spam” – hình thức gửi email marketing không mong muốn. Sẽ là một sai lầm rất cơ bản nếu bạn cho rằng cách thức tốt nhất để xúc tiến và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến là chiến lược gửi thư tới hàng loạt địa chỉ email mà bạn thu thập được trong khi không biết họ có muốn nhận thư của bạn hay không.
Tài sản quan trọng nhất của bạn, với tư cách là một nhà marketing trên mạng Internet, đó là danh tiếng. Và “spam” là con đường nhanh nhất có thể làm huỷ hoại danh tiếng của bạn. Nếu bạn thực sự muốn đầu tư và thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trực tuyến, đừng bao giờ đưa “spam” vào trong kế hoạch kinh doanh của bạn.

8. Quên rằng “marketing” chính là chìa khoá của thành công.

Ngay cả khi sản phẩm của bạn có chất lượng tốt nhất trên thế giới, bạn cũng sẽ không bao giờ bán được sản phẩm đó nếu bạn không “marketing” nó đến người tiêu dùng. Bởi vì nếu không tiến hành marketing cho sản phẩm của bạn, chắc chắn sẽ không ai biết đến nó và bạn sẽ không có một đồng doanh thu nào hết.
Trước tiên, bạn hãy chắc chắn rằng sản phẩm và dịch vụ của mình có khả năng phát triển và có khả năng sinh lời, sau đó bạn nên tập trung xúc tiến sản phẩm và marketing đến thị trường mục tiêu của bạn.

9. Quan niệm rằng kinh doanh trực tuyến là con đường làm giàu nhanh nhất.

Đây là một quan niệm rất sai lầm và là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong mọi trường hợp: trong kinh doanh trực tuyến cũng như trong kinh doanh truyền thống.
Trên thực tế, kinh doanh trực tuyến là cách thức làm giàu nhanh chóng và đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, để thành công bạn không thể trông chờ vào những bí mật và những điều thần bí trong kinh doanh. Thành công đó là kết quả của sự đầu tư và quyết đinh sáng suốt của bạn. Với những nỗ lực và sự thận trọng trong công việc, bất kỳ ai cũng có thể thành công trong mọi môi trường kinh doanh.

10. Không nhận thức đúng vai trò quan trọng của Internet.

Internet có thể coi là một công cụ giao tiếp hiệu quả nhất ngày nay. Với Internet, bạn có thể thu hút được hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới và cung cấp hàng loạt các dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Ngoài ra, Internet còn giúp bạn thu thập tin tức, thông tin quan trọng để cạnh tranh và cộng tác với những người khác.
Tuy nhiên để khai thác có hiệu quả những thông tin và tính năng ưu việt mà Internet đem lại, bạn nên học cách sử dụng những công cụ tìm kiếm để dễ dàng tìm kiếm những thông tin mà bạn cần và để giao tiếp hiệu quả hơn.
“10 sai lầm” trên đây chắc chắn không phải là tất cả, tuy nhiên đó là những sai lầm mà bạn dễ mắc phải nhất và nó có thể nhanh chóng làm giảm uy tín cũng như danh tiếng của bạn. Chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ của cẩm nang này, bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn trong kinh doanh và có thể đi đến thành công.



Read more »

Saturday 19 May 2012

Khởi nghiệp khó khăn của các tỷ phú Mỹ


Trước khi thành công, nhiều tỷ phú Mỹ từng làm các công việc rất nhỏ như bảo vệ, phụ việc và họ đã tạo ra hàng tỷ USD từ hai bàn tay trắng.


Forbes ước tính toàn bộ tài sản của Steve Jobs vào khoảng 5,1 tỷ đô la Mỹ, xếp hạng 43 trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, trước khi thành công rực rỡ với Apple, công việc đầu tiên của Steve Jobs là nhân viên phụ việc trong hãng HP. Ảnh: Yahoo News


Nữ hoàng truyền thông Mỹ Oprah Winfrey hiện có khối tài sản trị giá 2,4 tỷ USD, nhưng công việc đầu tiên của bà để kiếm tiền là bán hàng tại tiệm tạp hóa. Vài năm sau bà mới kiếm được công việc tốt hơn tại một đài phát thanh ở Chicago rồi từ đó khẳng định tài năng của mình. Ảnh: Yahoo News

David Murdock, nhà kinh doanh giàu thứ 130 của Mỹ với tài sản 3 tỷ USD. Ông từng làm nhân viên bán xăng rồi gia nhập quân đội. Sau khi giải ngũ ông mới tham gia vào thị trường bất động sản và trở nên giàu có. Ảnh: Business Week


Charles R. Schwab, người sáng lập và Chủ tịch hãng tài chính Charles Schwab, người giàu thứ 67 của Mỹ với 4,7 tỷ USD. Ông từng bán hạnh nhân và trứng gà khi còn ở quê nhà Sacramento, California. Ông còn mắc chứng khó đọc nhưng vẫn làm nên sự nghiệp lớn. Ảnh: Yahoo News

Trước khi có trong tay 1,8 tỷ USD, John Edward Anderson thời niên thiếu từng bán bắp rang bơ tại rạp chiếu phim ở quê nhà. Ảnh: Yahoo News
Leonardo Del Vecchio, nhà thành lập mắt kính lớn nhất thế giới Luxottica. Ông lớn lên trong cô nhi viện và làm công nhân trong hãng sản xuất nhựa mắt kính, nhựa ô tô. Từ đó ông lập nên công ty sản xuất mắt kính của riêng mình. Khối tài sản của ông lên đến 10,5 tỷ USD. Ảnh: Sharequotes

John Paul DeJoria, tài sản 4 tỷ USD. Ông phải đi bán thiệp Giáng sinh từ khi 9 tuổi để kiếm tiền giúp mẹ, rồi từng làm các công việc gác cổng đến nhân viên bán bảo hiểm trước khi thành công với Paul Mitchell Systems chỉ với 700 USD vốn khởi nghiệp. Ảnh: Forbes


Larry Ellision, người đứng thứ tư trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn. Nhưng ít ai biết rằng đến năm 32 tuổi ông vẫn chưa tìm được chỗ đứng cho mình. Ông học 3 trường đại học nhưng không có chiếc bằng nào, chuyển đến hơn 10 công ty và bị vợ bỏ. Sau đó, với 1.200 USD khởi nghiệp, ông gây dựng được sự nghiệp với công ty phần mềm doanh nghiệp danh tiếng Oracle và có gia tài 28 tỷ USD. Ảnh: Yahoo News

T. Boone Pickens, ông trùm kinh doanh và tài chính Mỹ, chủ tịch Quỹ quản lý đầu tư Capital BP. Khối tài sản của ông ước tính khoảng 1,4 tỷ USD, nằm trong top 400 người giàu nhất nước Mỹ. Ông từng là người đưa báo buổi sáng và sau đó thành lập được Petroleum Exploration chỉ với 2.500 USD tiền vốn. Ảnh: Leadersmag

Ray Dolby là chủ và cũng là cha đẻ của hệ thống xử lý âm thanh đa chiều, có khối tài sản 3,5 tỷ USD. Ông bắt đầu công việc đầu tiên của mình ở vị trí của một người điều khiển máy chiếu phim. Ảnh: Yahoo News
Người trẻ tuổi nhất và cũng được coi là thuận lợi nhất là Mark Zuckerberg đã sớm có thành công và gia tài lớn là Facebook và 4 tỷ USD. Ảnh: Yahoo News
 Vũ Hà - Ảnh: Yahoo News)
Read more »

Bài học thành công từ gã ăn mày


Hôm trước lang thang trên mạng tình cờ đọc được một bài viết rất hay, mình thấy nó thật ý nghĩ và đáng để suy ngẫm. Hôm nay, mình xin đăng lại nội dung bài viết này để chúng ta cùng suy nghĩ và tự rút ra cho mình bài học nhé.

                                                         
“Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Gucci ra khỏi Tràng Tiền Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi.
Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học MBA ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.
- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! – Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Gucci ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! – Tôi ngạc nhiên.
- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. – Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.

Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
- …???
- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:
- Ở khu Tràng Tiền Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian đểtìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? – Tôi căn vặn.
- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!

- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
- Hả? Nhiều vậy sao?

Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.

Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.

Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
- Ông nói tiếp đi! – Tôi hào hứng.
- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?

Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.

Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên

hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.

- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?

Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: “Hồng ơi, anh yêu em”, gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.

Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hìnhxin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.

Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!

- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại.( Chỗ này sao giống Thầy Thiêm nói quá!!!) Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.

- Ối ông cũng có vợ con?
- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng Vietinbank mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.

Tôi buột miệng:
- Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?
Sưu tầm
Read more »

Tuesday 1 May 2012

Những “nữ hoàng” trong thế giới công nghệ đương đại

Thế giới công nghệ đang thay đổi chóng mặt và dường như chịu sự thống trị của phái mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít nữ "cường nhân" đang nắm giữ những vai trò quan trọng, đầy quyền lực trong thế giới này.

Hãng tin CNN mới đây đã công bố danh sách 10 nhân vật nữ quyền lực nhất trong thế giới công nghệ. Họ đều là những phụ nữ đang đảm nhận những cương vị trọng yếu trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, Cisco...

Dưới đây là thông tin chi tiết về 10 "nữ hoàng" này.

1. Sandy Carter


Gia nhập IMB từ năm 1989, hiện Sandy Carter là Phó chủ tịch tập đoàn phụ trách các sáng kiến kinh doanh xã hội. Bà chịu trách nhiệm chỉ đạo các sáng kiến kinh doanh xã hội của tập đoàn cũng như hợp tác với khách hàng phát triển các chương trình sao cho hiệu quả nhất. Sandy Carter thành thạo 8 ngôn ngữ lập trình, tác giả 3 cuốn sách về kinh doanh và truyền thông xã hội, một trong những blogger và tweeter nổi tiếng nhất tại IBM, đã từng giành được giải thưởng MarCom. Bà đã đi du lịch hơn 60 nước trên thế giới.

2. Jane Moran


Jane Moran đảm nhiệm vai trò Giám đốc thông tin toàn cầu của Thomson Reuters từ năm 2008. Bà chịu trách nhiệm giám sát các hệ thống kinh doanh cho Thomson Reuters, hãng chuyên kinh doanh thông tin khoa học, pháp luật, tài chính, kinh doanh. Hãng hiện có 55.000 nhân sự ở hơn 100 quốc gia. Bà cũng là thành viên bàn tròn của Trung tâm Chiến lược số thuộc trường kinh doanh Tuck, Đại học Dartmouth, đồng thời giữ một ghế trong Hội đồng Giám đốc thông tin của mạng salesforce.com, Workday và Oracle.

3. Susie Wee


Chuyển tới Cisco hồi năm ngoái, hiện bà là Phó chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ, trải nghiệm mảng truyền thông và hợp tác của tập đoàn. Cương vị này, theo lời bà, đã cho thấy rõ niềm đam mê của bà trong việc kết hợp công nghệ với những trải nghiệm người dùng. Wee hiện quản lý một nhóm gồm 90 nhà thiết kế, chuyên gia nghiên cứu, chuyên gia công nghệ về trải nghiệm người dùng. Trước khi tới Cisco, bà từng làm việc cho HP trong suốt 15 năm với vai trò giám sát các chiến lược đám mây với sản phẩm máy tính cá nhân. Bà cũng là người sáng lập mảng kinh doanh phần mềm trải nghiệm của HP.

4. Cher Wang


Cher Wang là đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn HTC, hãng kinh doanh công nghệ hàng đầu ở Đài Loan. Cher Wang giám sát việc phát triển công nghệ di động và điện thoại thông minh, hợp tác cùng Google và Microsoft về điện thoại thông minh và PDA tương tích với Windows để bán cho thị trường Mỹ, châu Âu. Cùng với chồng, bà Wang là Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Hãng công nghệ VIA. Bà Wang từng được tạp chí Forbes bình chọn là “Người phụ nữ quyền lực nhất trên thị trường không dây”. Bà đứng thứ 276 trong top 500 người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản cá nhân là 4 tỷ USD.

5. Judy Estrin


Trong thập niên 1970, Judy Estrin theo học ngành khoa học máy tính ở trường Đại học ULCA và là kỹ sư điện tử thuộc trường Đại học Stanford cùng với Vint Cerft, một trong những "cha đẻ" của mạng Internet. Tại Tập đoàn Zilog, bà lãnh đạo một nhóm kỹ sư phát triển một trong những mạng LAN thương mại đầu tiên và đồng sáng lập ba công ty sản xuất thiết bị và phần mềm mạng. Từ năm 1998-2000, bà đảm nhiệm cương vị Giám đốc công nghệ cho Cisco và thành viên ban điều hành Disney, FedEx, Rockwell và Sun Microsystems. Năm 2008, bà xuất bản cuốn "Thu hẹp khoảng trống sáng tạo". Hiện bà là Giám đốc điều hành Hãng tư vấn công nghệ JLabs.

6. Deborah Estrin


Deborah Estrin là một giáo sư chuyên ngành khoa học máy tính ở trường UCLA, đồng thời là Giám đốc Trung tâm cảm giác nối mạng nhúng, nơi đi tiên phong trong việc nghiên cứu công nghệ mới cho phép thu thập thông tin từ thế giới vật chất, cũng như trao đổi thông tin bằng các phương pháp hữu dụng. Estrin hiện còn là thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ, thành viên của Viện Hàn lâm kỹ thuật quốc gia Mỹ và có tên trong danh sách những phụ nữ có đóng góp lớn cho ngành công nghệ quốc tế.

7. Maxine Fassberg


Maxine Fassberg quản lý các hoạt động sản xuất của Intel Israel. Bà cũng chịu trách nhiệm quản lý các nhà máy chế tạo ở Kiryat Gat và Jerusalem, cùng một trung tâm thiết kế ở Haifa. Bà Fassberg có quan hệ tốt với Chính phủ Israel. Bà có bằng thạc sỹ về hóa học ứng dụng ở trường Đại học Hebrew ở Jerusalem từ năm 1978. Bà đã gia nhập Intel từ năm 1983 với tư cách là một kỹ sư. Tới năm 2007, bà được giao chức Tổng giám đốc.

8. Ursula Burns


Ursula Burns gia nhập Tập đoàn Xerox từ năm 1980 dưới vai trò kỹ sư cơ khí. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, bà được bổ nhiệm làm CEO cho hãng vào năm 2009. Chỉ sau thời gian ngắn, Ursula Burns ghi dấu ấn nhờ việc thâu tóm công ty Affiliated Computer Services với mức giá 6,4 tỷ USD (khoảng 134.400 tỷ đồng) – thương vụ lớn nhất trong lịch sử Xerox. Ursula Burn cũng là một thành viên quản lý của nhiều tổ chức khác như American Expess, Change The Equation...

9. Sheryl Sandberg


Sheryl Sandberg từng làm Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tổ chức và bán hàng trực tuyến toàn cầu cho gã khổng lồ tìm kiếm Google. Hiện cô đang đảm nhiệm cương vị Giám đốc hoạt động của Facebook, mạng xã hội lớn nhất thành viên. Trang Ted.com từng mô tả vị trí này của Sandberg là "xây dựng nên mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong khi vẫn duy trì sự vui sướng của người dùng". Sandberg gia nhập Facebook từ năm 2008.

10. Marissa Mayer


Marissa Mayer từng là một trong 20 nhân viên đầu tiên của Google. Cô gia nhập hãng công nghệ này từ năm 1999 với vai trò kỹ sư. Mayer cũng là nữ kỹ sư đầu tiên ở Google. Năm 2010, cô trở thành Phó chủ tịch mảng dịch vụ định vị và địa phương của Google. Ở độ tuổi 36, cô là một trong những lãnh đạo công nghệ trẻ nhất thế giới. Ngoài làm việc ở Google, Mayer còn đảm nhiệm một vai trò quản lý Bảo tàng Nghệ thuật đương đại San Fancisco, Bảo tàng Thiết kế quốc gia Smithsonian Cooper-Hewitt...
Read more »

Ưu thế sử dụng Mạng Xã Hội trong kinh doanh


Mạng xã hội là sự phát triển kinh doanh quan trọng nhất của năm 2010, vượt qua sự trỗi dậy của ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Tác giả Bill George là giáo sư về Hoạt động quản lý tại trường kinh tế Harvard. Trong năm qua, mạng xã hội từ một công cụ truyền thông cá nhân dành cho những người trẻ tuổi đã biến thành một phương tiện truyền bá được các nhà lãnh đạo kinh doanh sử dụng để giao tiếp với nhân viên và khách hàng, bởi mạng xã hội đã biến việc chuyển tải thông tin một chiều thành chuyển tải thông tin tương tác hai chiều.


Đó là lý do tại sao tạp chí Time bình chọn người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg là Nhân Vật của Năm.
Một năm trước, rất nhiều người cười nhạo Facebook là nơi bọn trẻ chia sẻ những tin tức mới nhất về tiệc tùng. Ngày nay hơn 600 triệu người trên thế giới sử dụng facebook. Xét về nhân khẩu học thì những người trên 40 tuổi là lực lượng sử dụng facebook tăng trưởng nhanh nhất.
Hơn 300 triệu người tốn ít nhất mỗi giờ một ngày trên facebook. Gần 200 triệu người sử dụng Twitter mặc dù - hoặc bởi vì - giới hạn 140 kí tự của mạng này. 100 triệu người khác sử dụng LinkedIn. Không một mạng xã hội nào kể trên từng tồn tại vào đầu thập kỉ này.
Các nhà lãnh đạo như Sam Palmisano của IBM, Indra Nooyi của PepsiCo, Steve Jobs của Apple, Steve Ballmer của Microsoft, Marilyn Nelson của Carlson hay Hiệu trưởng trường kinh doanh Harvard Nitin Nohria đều là những người sử dụng mạng xã hội tích cực. Tại sao?
Bởi mạng xã hội là cách độc đáo để truyền tải rộng rãi những thông điệp đúng lúc đến những độc giả họ muốn tiếp cận. Họ có thể viết một thông điệp ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và chia sẻ nó với bất cứ ai quan tâm mà không cần đến sự can thiệp của quan hệ công chúng, diễn giả, đi lại bằng máy bay, các băng video ghi hình hoặc tin nhắn thư thoại.
Giờ đây, lời nói của họ có tính xác thực hơn và có thể có sức mạnh đáng kể.

Mạng xã hội cũng làm các tổ chức phẳng hơn bằng việc phân phối sự tiếp cận thông tin. Mọi người đều bình đẳng trong mạng xã hội. Không hề có hệ thống cấp bậc trong mạng xã hội.
Mối đe dọa lớn nhất từ mạng xã hội là với các nhà quản lý cấp trung, những người có thể trở nên lỗi thời khi việc chuyển tải thông điệp trong tổ chức không còn cần đến họ. Chìa khóa để thành công trong thời đại mạng xã hội là trao quyền cho những người làm công việc thực tế - thiết kế sản phẩm, sản xuất, tạo ra các sáng kiến marketing hoặc bán dịch vụ - mà không có hệ thống phân cấp thứ bậc.
Các công ty tiếp thị tiêu dùng đang "xếp hàng" để sử dụng những mạng xã hội nhằm tiếp cận các tập khách hàng về mặt nhân khẩu học phù hợp với họ, các thông điệp được cá nhân hóa cao.
Rõ ràng các công ty đang cách mạng hóa marketing bằng việc chuyển tiền dùng cho các quảng cáo truyền thông sang xây dựng phương tiện và nội dung của riêng mình. Ví dụ, Kraft Foods hiện là một trong những nhà xuất bản lớn nhất về các ấn phẩm liên quan tới thức ăn.
IBM ra mắt cộng đồng lãnh đạo. PepsiCo sử dụng mạng xã hội để tiếp cận hàng triệu doanh nhân thay vì quảng cáo tại Super Bowl. Từ góc nhìn lãnh đạo, mạng xã hội đang khiến cho việc lãnh đạo đích thực thành một thực tế và cần thiết đối với các nhà lãnh đạo thế kỉ 21. Bạn không thể che giấu trên mạng xã hội khi bạn tiết lộ bạn là ai và bạn thực sự tin tưởng điều gì. Ở đây sự minh bạch là cần thiết.
Thậm chí quan trọng hơn, hiện tượng mới mẻ này đang cho phép các nhà lãnh đạo kinh doanh xây dựng lại niềm tin và sự tín nhiệm họ đã đánh mất trong 10 năm gần đây. Đó là lý do tại sao mạng xã hội lại là sự phát triển kinh doanh quan trọng nhất của năm.
Theo VEF
Read more »

 
Cheap Web Hosting | Top Web Host | Great HTML Templates from easytemplates.com.